Binh biến và tàn cuộc Sự_biến_Tào_Thạch

Bản đồ thành Bắc Kinh.

Tào Khâm xua quân tấn công hai cửa Đông, Tây không được, bèn dùng lửa mà đốt, nhưng bỗng dưng trời đổ mưa to, đám lửa bị dập tắt hết. Quân giữ cổng 5.610 người cố sức giữ thành, về sau đều được ban thưởng hậu hĩnh.

Quân triều phản công, Lý Hiền và Vương Cao thừa cơ hội bỏ trốn, nhưng Đô ngự sử Khấu Thâm cùng Ngô Cẩn bị phản quân giết chết.[35] Khấu Thâm trước khi chết còn mắng chửi cha con họ Tào một cách thậm tệ.

Tôn Thang lĩnh quân giao chiến với Tào Khâm ở cổng Đông Hoa, Mã Ngang dẫn quân tập kích phía sau. Tào Khâm bèn lui về lập trại ở cổng Đông An.[36] Đến giữa trưa, quân triều giết hai em của Tào Khâm là Tào Huyễn, Tào Tuyền,[36] chém Tào Khâm bị thương ở cả hai cánh tay; giành lại được phía đông bắc cửa Đông; lại dùng đến hỏa pháo để chống lại phản quân. Tào Khâm tìm đường chạy qua cổng Triều Dương để mong thoát khỏi thành Bắc Kinh, cũng bị đuổi theo sát gót; em Khâm là Tào Đạc cũng bị giết.[37]

Tào Khâm chạy lòng vòng qua các cổng An Định và Đông Trực ở phía bắc thành rồi lại trở lại cổng Triều Dương, tất cả các cổng đều đóng chặt. Khâm bèn lui về cố thủ tại phủ đệ ở Bắc Kinh.[37] Tôn Thang cùng Tôn Kế Tông đem quân xông vào nhà, Tào Khâm bèn nhảy xuống giếng tự sát.[37] Quân triều vớt xác Khâm lên, sau đó chặt ra thành từng khúc.[37]

Được sự cho phép của Thượng thư Lý Hiền, quân triều đình tha hồ vơ vét hết tài sản trong nhà Tào Khâm.[38] Lý Hiền còn hạ lệnh nói quân sĩ nào bắt được gian đảng mà kẻ gian đảng đó đang giữ chức vụ gì, thì sẽ lập tức cho lên thay chức ấy.[37] Ngày 22 tháng Tám (âl) năm 1461, tất cả những người theo Tào Khâm làm binh biến đều bị chặt đầu.[39].

Ngày 8 tháng 8, Tào Cát Tường bị xử phanh thây ở Ngọ Môn dưới sự chứng kiến của tất cả các quan từ Thượng thư trở lên[40]. Di thể của anh em Tào Khâm vẫn bị chưng ở đó thêm mấy ngày rồi mới ném đi[40]. Cha vợ của Khâm từ khi Khâm đắc thế đã không qua lại với hắn nữa; nên được tha tội[40].

Một số ít những đồng mưu của Tào Khâm nhưng không tham gia vào vụ binh biến được miễn tội chết, đày ra Lĩnh Nam[41]. Ngoài ra theo đề nghị của Lý Hiền, Anh Tông không xét hỏi đến những người bị bức ép theo phe phản nghịch[42]. Những người tham gia đánh dẹp đều được ban thưởng hậu hĩ, Trần Cối được lập làm Quan trấn thủ Thiên Tân[40], Mã Ngang làm Thái phó của thái tử. Ngày 9 tháng 8, tướng người Mông là Ngô Tông được phong làm Đô đốc Tả quân, tăng lương thêm 22 lạng bạc, 200 thạch lương. Những tướng sĩ chết trận đều được khắc tên lên bảng vàng của triều đình. Ngoài ra Anh Tông còn lại lệnh tạm đình chỉ thu thuế ở trong thành, để ổn định lại tình hình. Các đại thần và vương gia được cử đi tuần tra khắp nơi trong kinh đô để phòng dư đảng của họ Tào còn sót lại. Những kẻ cơ hội lợi dụng điều này, tìm đến những nhà có thù oán với mình, vu cho là quân phản loạn rồi phóng hỏa đốt nhà, giết người, hay tịch thu gia sản của người dân[43]. Có người đem việc đó tố cáo lên, Anh Tông hạ lệnh bắt bọn cướp phá gông cổ thị chúng giống như kẻ tội phạm[43]. Vì thành phần chính tham gia quân nổi dậy là người Mông Cổ, nên các tướng Mông cảm thấy không yên. Ngày 9 tháng 8, nhà vua xuống chiếu trấn an bọn họ[44]. Từ sau vụ việc này, kinh thành Bắc Kinh của nhà Minh không còn bị đe dọa thêm lần nào nữa, cho đến tận khi quân khởi nghĩa Lý Tự Thành tiến chiếm Bắc Kinh năm 1644[45].